12:01 - 15/08/2015
Thư Cầm ngẩn ngơ nhìn chiếc chìa khoá hồi lâu, mãi đến khi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của nhân viên tiệm giặt khô, cô mới vội vàng gập chiếc ví lại cất vào túi, nhủ bụng đến công ty sẽ trả cho Thịnh Phương Đình.
Buổi sáng, tuy sếp vắng mặt, nhưng công ty đang tiến hành tập huấn cho nhân viên nên cô cũng rất bận, đến trưa mới có thời gian rảnh tìm Thịnh Phương Đình trả ví. Thư Cầm làm như không có chuyện gì, chỉ nói: "Ngại quá, tôi đem áo đi tiệm giặt khô, đến hiệu giặt khô mới phát hiện có ví tiền, đáng ra tối qua phải trả anh rồi."
Thịnh Phương Đình cười: "Không sao, hôm qua muộn quá nên ngại không gọi cho cô, về nhà mới nhớ ví tiền bỏ trong túi áo vest, đành bảo lái xe đợi rồi lên nhà lấy tiền. Trí nhớ tôi dạo này chán thật, may mà không quên cả di động và chìa khoá, bằng không dù là sáng sớm cũng phải gọi điện làm phiền cô rồi."
Khách khí đến xa lạ.
"Tôi phải xin lỗi mới đúng." Thư Cầm nói, "Để tôi mời anh ăn trưa."
Có vài điều cô hơi lưỡng lự không biết có nên hỏi hay không
Anh đồng ý ngay: "Được thôi."
Hai người cùng ra quán gần công ty ăn cơm, vẫn là quán Đài Loan lần trước. Thư Cầm gọi cơm với thịt kho, cô ăn mãi món này mà chưa chán.
Thịnh Phương Đình chợt nói: "Tôi biết làm món này."
"Hả?" Thư Cầm ngạc nhiên, trước đây khi hai người còn bên nhau đều là cô nấu cơm, cô không thể tưởng tượng được người lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề như Thịnh Phương Đình lại có thể xuống bếp. Thư Cầm luôn nghĩ anh không biết nấu cơm, thường xuyên ăn ở ngoài, hơn nữa còn ăn uống thất thường nên mới bị xuất huyết dạ dày.
"Thật mà, mẹ tôi dạy. Bà không rành nấu nướng lắm nhưng vẫn dạy được tôi làm những món đơn giản như thịt kho. Một mình tôi về nước, bà luôn lo lắng tôi không có gì ăn..."
"Thịt kho nhìn có vẻ đơn giản, nhưng muốn làm cho ngon cũng khó đấy."
Thịnh Phương Đình nói: "Tôi có bí quyết gia truyền. Lần sau có cơ hội tôi sẽ mời cô thưởng thức tay nghề."
Thư Cầm nhìn anh, không đồng ý, cũng chẳng từ chối.
Đang nói chuyện thì Thịnh Phương Đình có điện thoại. Anh liếc qua màn hình rồi nói: "Xin lỗi, tôi đi nghe điện thoại." Dứt lời liền đứng dậy, ra khỏi quán ăn.
Trong điện thoại, giọng Đàm Tĩnh rất căng thẳng: "Luật sư Từ vừa nói chuyện với họ, thái độ của họ rất kiên quyết, nói điều kiện của chúng ta không có thành ý... tôi lo..."
"Cô đừng lo." Thịnh Phương Đình nhẹ nhàng an ủi, "Đưa điện thoại cho luật sư Từ đi, tôi muốn nói chuyện."
Luật sư Từ cầm máy, Thịnh Phương Đình hỏi vài câu, rồi cùng thảo luận về kế hoạch tiếp theo. Luật sư Từ nói: "À phải, hôm nay bệnh viện thông báo có thể làm phẫu thuật sớm, bác sĩ mổ chính là Phương Vịnh, Chủ nhiệm khoa Ngoại Tim mạch, Nhiếp Vũ Thịnh không tham gia mổ. Lát nữa Chủ nhiệm Phương sẽ đến nói chuyện với người nhà bệnh nhân, có lẽ Nhiếp Vũ Thịnh cũng có mặt."
"Họ không đồng ý điều kiện thì cứ hoãn mổ đi." Thịnh Phương Đình nói, "Anh đưa máy cho Đàm Tĩnh, để tôi khuyên cô ấy."
Đàm Tĩnh nghe Thịnh Phương Đình muốn mình từ chối ký giấy đồng ý phẫu thuật, liền cự tuyệt ngay: "Không được, đã kéo dài đến tận bây giờ, không thể kéo dài thêm nữa, tôi không thể lấy tính mạng của con ra mạo hiểm được."
"Đàm Tĩnh, trong đàm phán, ai không nhẫn nhịn được thì người đó sẽ thua. Cô lo lắng nhưng Nhiếp Vũ Thịnh còn lo hơn. Anh ta là bác sĩ, anh ta biết rõ hơn cô về hậu quả khi trì hoãn phẫu thuật, vì thế anh ta sẽ không kiên trì được. Chỉ cần nhà họ Nhiếp thoả hiệp thì cô sẽ giành được quyền giám hộ. Không phải cô muốn giữ con ở bên mình sao? Nếu phẫu thuật ngay lúc này, sau đó nhà họ Nhiếp sẽ giấu đứa trẻ đi, cô làm thế nào? Kiện họ à? Kiện đến vài năm cũng chưa chắc đã có kết quả. Cứ cho là cô thắng, nhưng họ không giao con cho cô thì cô làm gì được? Nhà họ Nhiếp có tiền có thế, trên cả nước này chỗ nào cũng có nhà của họ, tìm bừa một nơi giấu đứa trẻ đi thì cả đời cô cũng không tìm được."
"Tôi không thể để con mạo hiểm như vậy..."
"Cô bình tĩnh nghĩ lại xem, đây là cách duy nhất có hiệu quả để khống chế nhà họ Nhiếp trong lúc này. Phẫu thuật sớm một ngày có lẽ sẽ bớt rủi ro, nhưng giờ cháu bé đang trong bệnh viện, muộn một ngày cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng thời gian làm phẫu thuật lại vô cùng quan trọng với cô, cô không đồng ý mổ thì họ cũng không còn cách nào, đành chấp nhận điều kiện của cô thôi."
"Tôi không làm được."
"Cô là một người mẹ, vì con, cô phải làm được!" Giọng Thịnh Phương Đình điềm tĩnh đến nghiêm nghị, "Cô muốn mất con thì bây giờ cứ ký giấy, còn muốn con ở bên mình thì hãy bảo Nhiếp Vũ Thịnh, trừ phi nhà họ Nhiếp đồng ý điều kiện của cô, nếu không cô sẽ không ký."
"Tôi không làm được..."
"Cô thử nghĩ đến Nhiếp Đông Viễn đi, cô định cứ thế bỏ qua cho ông ta sao? Ông ta là người hại chết cha cô, hại chết mẹ cô. Giờ cô cứ để ông ta được như ý, cướp con của cô đi mà không phải trả bất cứ cái giá nào ư?"
"Chuyện này không liên quan đến việc phẫu thuật của con tôi..."
"Nếu nhà họ Nhiếp không nể nang thằng bé, giờ cô đồng ý phẫu thuật, sau này dù cô giành được quyền giám hộ, họ cũng sẽ không dễ dàng chịu nộp phí nuôi dưỡng. Nếu bọn họ thật sự coi trọng đứa trẻ này, xem nó là cốt nhục thì bất kể cô đưa ra điều kiện gì về kinh tế họ cũng sẽ mau mắn đáp ứng ngay, để cô đồng ý ký giấy phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Có rất nhiều thứ không thể mua được bằng tiền, đạo lý này cô hiểu, Nhiếp Đông Viễn cũng hiểu."
Đàm Tĩnh nấc lên nghẹn ngào: "Bình Bình đã phải chịu khổ nhiều quá rồi..."
"Vì thế sau này cô không được để nó chịu khổ thêm nữa, phải giành mọi thứ tốt nhất cho nó. Đừng khóc, cũng đừng làm loạn lên. Thế này đi, cô cho đối phương hai mươi tư giờ, nếu họ đồng ý điều kiện thì cô ký giấy, nếu không, cô lập tức chuyển viện ngay. Tôi hứa nhất định sẽ tìm giúp cô một bệnh viện tốt nhất để mổ cho cháu."
Đàm Tĩnh bán tín bán nghi hỏi: "Như vậy có được không?"
"Đương nhiên cô không được nói nếu họ không đồng ý thì cô sẽ chuyển viện cho con. Thôi, cô đưa máy cho luật sư Từ, để tôi bảo anh ấy đi nói với họ."
Đàm Tĩnh đưa máy cho luật sư Từ, anh ta nói chuyện với Thịnh Phương Đình một lúc, rồi tắt máy bảo Đàm Tĩnh: "Chị Tôn, việc này cứ để tôi ra mặt, chị đừng nói gì cả, nếu người nhà họ Nhiếp hoặc luật sư của họ đến tìm, chị cũng đừng nói chuyện. Chị cứ yên tâm, chúng ta sẽ không làm lỡ việc điều trị của cháu đâu, chỉ là đang nghĩ cách để đòi quyền lợi nhiều nhất cho chị và cháu thôi."
Đàm Tĩnh nói: "Tôi không cần quyền lợi gì cả..."
"Quyền giám hộ là quyền lợi chính yếu nhất." Luật sư Từ an ủi cô, "Mọi việc chúng ta làm hiện nay đều là để giữ con lại bên chị. Tôi biết chị không cần bồi thường về mặt kinh tế, nhưng chúng ta cần để nhà họ Nhiếp nhận thức được cái giá đắt đỏ phải trả, như vậy họ mới từ bỏ quyền giám hộ."
Nhiếp Vũ Thịnh hoàn toàn không thể ngờ Đàm Tĩnh lại thông báo cho luật sư, cô không đồng ý làm phẫu thuật ngay, trừ phi nhà họ Nhiếp từ bỏ quyền giám hộ, đền bù một số tiền nuôi dưỡng kếch sù cùng quyền sở hữu cổ phần.
Khi biết tin này, Nhiếp Vũ Thịnh hoàn toàn sững sờ, còn Nhiếp Đông Viễn thì bừng bừng lửa giận, đã lâu lắm rồi, không kẻ nào dám uy hiếp ông như vậy. Nhiếp Đông Viễn chỉ cười khẩy: "Năm đó tưởng cô ta chỉ là con nha đầu miệng còn hôi sữa, không ngờ giờ đã thành con sư tử tham lam rồi."
"Đây không phải ý của Đàm Tĩnh." Nhiếp Vũ Thịnh nói, "Cô ấy không phải hạng người như vậy."
"Rốt cuộc đến lúc nào anh mới chịu nhận ra bộ mặt thật của con đàn bà đó hả? Ban đầu mở mồm là đòi anh một triệu, tôi còn nghĩ, được, một triệu, tôi trả, vì cô ta ngậm đắng nuốt cay sinh thằng bé ra, còn nuôi lớn đến ngần này. Nhưng anh nhìn xem, cô ta nói không giữ lời, còn đòi ra giá trên trời, lòng tham vô đáy. Trong mắt cô ta, thằng bé là cái gì? Chỉ là công cụ để tống tiền chúng ta mà thôi!"
Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy cả thân thể lẫn tinh thần đều kiệt quệ, anh nói: "Thôi bố ạ, có lẽ Đàm Tĩnh muốn chúng ta từ bỏ quyền giám hộ. Con đi nói chuyện với cô ấy vậy, con quyền giám hộ nữa, mau mau làm phẫu thuật cho thằng bé."
"Vớ vẩn! Cô ta tưởng nắm thằng bé trong tay là có quyền mặc cả với chúng ta sao? Anh không cần quyền giám hộ, thì cháu tôi làm sao? Chẳng phải lần trước anh bảo tôi rằng cô ta nói không cần quyền giám hộ, chỉ cần chúng ta đưa tiền sao? Cháu tôi rơi vào tay loại người như cô ta, làm sao sống yên ổn được? Nó theo cô ta chịu khổ bao năm như vậy mà giờ còn bị mẹ đẻ biến thành cây hái tiền. Cô ta không đồng ý phẫu thuật thì tôi không để yên đâu!"
"Bố..."
"Gọi luật sư đi, tôi trả năm triệu, mặc kệ cô ta có cần không. Không được nữa thì tự tôi ký tên đồng ý phẫu thuật!"
"Bố, làm vậy không đúng quy định của bệnh viện... Bố hay con ký đều vô ích thôi..."
"Vậy thì chuyển viện! Chuyển đến Hồng Kông phẫu thuật là xong! Máy bay đâu? Anh mau gọi cho thư ký Trương chuẩn bị máy bay!"
"Tình hình hiện nay của thằng bé không thể chịu đựng chuyến bay dài." Nhiếp Vũ Thịnh gần như muốn nổ tung, "Để con đi nói chuyện với Đàm Tĩnh, cô ấy không phải người không hiểu đạo lý. Thằng bé đối với cô ấy còn quan trọng hơn tính mạng, vì nó việc gì cô ấy cũng có thể làm, con không tin cô ấy vì chuyện tiền nong mà không đồng ý phẫu thuật."
"Anh muốn đâm đầu vào tường thì đi đi." Ông Nhiếp Đông Viễn kết luận, "Đàm Tĩnh sẽ không gặp anh đâu."
Nhiếp Vũ Thịnh không tin lời bố, anh đến phòng bệnh nhưng quả thật bị luật sư chặn lại, anh ta nhỏ nhẹ nói: "Xin lỗi anh Nhiếp, đương sự của tôi không muốn gặp anh, mong anh đừng làm phiền cô ấy."
Nhiếp Vũ Thịnh thực không thể ngờ sự việc lại diễn ra hệt như lời bố mình, anh gọi cho Đàm Tĩnh thấy tắt máy. Đang lúc bế tắc thì Chủ nhiệm Phương biết chuyện người nhà bệnh nhân không chịu ký giấy phẫu thuật, bèn cho người đi tìm Nhiếp Vũ Thịnh tới. Ông còn thận trọng đóng cửa văn phòng lại rồi mới hỏi: "Chuyện gì vậy? Sao đột nhiên mẹ thằng bé lại không đồng ý mổ?"
"Cô ấy đang đàm phán với bố cháu... yêu cầu ông ấy đồng ý một số điều kiện về vật chất..."
Chủ nhiệm Phương nghe vậy liền nổi giận, suýt nữa buột miệng chửi um lên: "Có người mẹ như vậy sao? Kéo dài thời gian thì có gì tốt cho thằng bé? Tôi không mổ nữa! Cô ta muốn kéo dài thì kéo. Rõ ràng cô ta không coi thằng bé là cốt nhục của mình, đúng là vô nhân tính mà!"
Nhiếp Vũ Thịnh đau khổ vạn phần, anh không muốn tin lại làm vậy, bèn giải thích: "Cô ấy không phải loại người đó, lần này không biết ai đã thay cô ấy đưa ra chủ ý này, nếu là cô ấy. chắc chắn sẽ không làm vậy. Hơn nữa cô ấy cũng không biết tìm luật sư..."
"Biết người biết mặt khó biết lòng... Nhiếp Vũ Thịnh ơi Nhiếp Vũ Thịnh, cậu nói xem mắt nhìn người của mình thế nào mà lại có con với loại người như thế..."...