Từ hồi bé, tôi đã thấy người ta gọi bác là "ông Tính hâm" và gọi các con bác là "con nhà Tính hâm". Cứ mỗi khi thấy bác vác cày, kéo trâu ra đồng hoặc gánh cỏ đi ngang qua là người ta lại nhếch mép, hích vai nhau:
- Kìa, lão Tính hâm kìa.
- Ừ, mấy đứa con nhà ấy y hệt bố, đứa nào đứa đấy đen như con cua.
- Bực lão này thật, mấy hôm trước tôi thấy lão nhổ cây sấu non tôi mới trồng trước cửa mà không làm gì được.
- Thôi, chấp làm quái gì lão hâm ấy, càng ngày càng hâm nặng.
Cũng đã có lần ngồi cùng đám trẻ chăn trâu, thấy bác gánh cỏ ngang qua, tôi cùng bọn trẻ réo lên:
- Ông Tính hâm ơi! Ông Tính hâm!
Và chỉ thấy bác mỉm cười, vẫn cắm cúi gánh cỏ đi. Bác là một người đàn ông cao ráo, vóc dáng khỏe mạnh, da đen cháy. Trông bác gánh cả một gánh lúa lớn cứ nhẹ nhàng như không, đẩy cả một xe bò đầy đất rất khéo léo.
Suốt năm ra đồng bác chỉ toàn cởi trần, mặc cái quần cộc nhem nhuốc, mùa đông thì bác có thêm cái áo rét đã rách bươm và một cái mũ lông cũng rách. Tôi thấy đến tận bây giờ người làng tôi vẫn còn nói câu này:
- Khỏe nhất cái làng này chắc chỉ có lão Tính hâm, quanh năm cởi trần dãi nắng dãi mưa mà đố ai thấy lão ấy ốm bao giờ.
Lúc bé, tôi vẫn thắc mắc tại sao bác ấy hâm mà lại có thể ra đồng làm việc bình thường, thậm chí là chăm chỉ hơn nhiều người, không quên ngày tháng thời vụ, làm không thiếu việc gì của nhà nông.
Ừ, thì đúng là bác Tính là người hâm thật. Hồi tôi mới biết về bác, tôi nhớ là bác hay đi nhổ những cây non người ta mới trồng, rút trộm những thanh tre làm hàng rào quanh vườn nhà người ta, hái hoa quả nhà người khác nếu có cành chĩa ra đường...
Ngày ấy, bác Tính chỉ biết làm ruộng thôi. Nhưng bây giờ thì khác...
***
Bác Tính làng tôi cứ như nhân vật lão Quềnh trong truyện "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường. Cũng là môt con người khốn khổ, lầm lũi như một chiếc bóng, hiền lành vô hại, cũng chỉ tồn tại chứ không sống trọn vẹn, cũng hâm, và xung quanh cái sự hâm ấy cũng nhiều giai thoại. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tại sao bác lại trở nên như vậy.
Từ lúc lớn lên tôi chưa lần nào tìm hiểu về những gì đã xảy ra với bác. Hồi bé thì tôi được nghe người ta thêu dệt nhiều lắm. Nào là lão Tính hâm hâm là do bị ma ám một hôm ra đồng đánh dậm buổi tối. Nào là lên chùa lấy trộm đồ cúng, bẻ cây cối nên bị thần phạt. Nào là vào đền Gióng ăn nói bậy bạ, đại tiểu tiện bừa bãi, lại trèo lên cả mấy bức tượng thờ ở ven đường dẫn vào đền, bố mẹ không mang đồ lễ lên cúng bái nên bác mới bị thánh "bẻ chân". Rồi có người hiền lành thì chỉ bảo đơn giản là bác bị ốm mặng một trận nên sinh ra lẩn thẩn như vậy.
Tôi hỏi bác dâu tôi, bác là người làng này gốc, chắc rằng mọi chuyện bác đều rõ, bác mắng:
- Người ta hâm thì hâm thật, những không phải là chỗ cho lũ trẻ ranh chúng mày trêu chọc. Từ rày, phải gọi là bác Tính, tao mà nghe thấy mày gọi là "ông Tính hâm" nữa thì tao bảo cho.
Rồi bác tôi bảo là những người như bác Tính là những người chịu tội thay cho những người khác, không được châm chọc, phải tôn trọng họ.
Bác lại kể, ngày xưa hồi còn đi học, bác Tính là người đẹp trai, học giỏi nhất làng này, ít người bằng được. Bác không nói tại sao bác Tính lại bị như vậy. Tôi cũng không hỏi nữa. Và bao năm trôi qua, cũng chưa khi nào tôi đi tìm một câu trả lời chính xác cho việc ấy, nhưng từ sau lần ấy tôi không bao giờ trêu chọc những người điên mà tôi gặp trên đường, những con người kém may mắn hơn tôi và nhiều người khác. Bây giờ và sau này vẫn sẽ như vậy.
***
Là người dở hơi, nhưng bác Tính có vợ con hẳn hỏi. Vợ và các con bác là những người rất bình thường và cũng hiền lành, chân chất.
Hai người con lớn hơn tuổi tôi, đứa con gái út kém tôi một tuổi. Hồi bé, tôi ghét con nhỏ này lắm. Nó gầy gò leo kheo, đen đúa nhem nhuốc như que tăm mốc. Đã vậy, nó cũng đánh nhau, nghịch ngợm, chửi tục không kém gì lũ con trai chúng tôi. Tôi lúc đó tự nhủ sẽ chẳng bao giờ thèm chơi với con nhà có bố dở hơi.
Anh con trai lớn càng lớn càng đẹp trai, chị gái thứ hai cũng ưa nhìn. Hai người học xong rồi lần lượt đi làm, lập gia đình.
Chỉ có Mai, cô con gái út, là học hành dở dang. Em học hết cấp 2 thì tham gia vào đội tuyển bi sắt của Đoàn thể thao Hà Nội, thỉnh thoáng mới thấy em về làng.Và mỗi lần về làng là lại thấy em có chút gì đó thay đổi. Em ăn mặc đẹp hơn, dáng đi đĩnh đạc hơn, da em trắng ra và đầu tóc chải chuốt gọn gàng. Em không còn dáng vẻ của con bé nhà quê đen đủi, quắt queo, tăm tối theo bố ra đồng, vừa đi vừa gặm một mẩu khoai sống như ngày nào.
Và cũng thật hay cho người nhà quê! Khi em còn bé và ở làng thì người ta nhắc đến em với sự khinh miệt, rằng là con nhà trông như ma ốm đói, rằng là con lão dở hơi, rằng là "Bẩ