n như hủi vậy! Đi mà ở với con nhà Tính hâm nhé!", rằng là....Đủ hết!
Vậy mà gần đây, khi những tia sáng đầu tiên đến với em và khiến em thay đổi thì người ta lại vẫn hích vai nhau, hất hàm, thì thầm với nhau khi thấy em về làng trong một bộ quần áo mới, lạ mắt.
- Ai như con nhà Tính hâm kia phải không?
- Chính nó đấy chứ ai. Dạo này đi bi sắt có khác nhỉ, ít lâu mà diện thế.
- Mỗi lần về là thấy diện quần áo "mốt". Còn này rồi cũng sớm hỏng thôi.
- Chứ sao nữa. Báu gì cái thứ con gái quê học hết cấp Hai ấy!
- Chẳng biết có phải là đi bi sắt bi siếc gì đó không!
Điều kì lạ là mẹ tôi đôi khi nhìn thấy Mai cũng hay có những cách thể hiện không mấy thiện cảm. Tôi thì chỉ thấy mừng cho Mai. Cuộc sống đã thay đổi và em cũng đã không phải đứng ngoài sự thay đổi ấy. Những nét vật vả, tủi cực đã dần được xóa mờ đi ở đứa con gái con một nhà nghèo khổ nhất làng, một thời quanh năm đói rách.
***
Năm nay tôi hai mươi tuổi và Mai mười chín. Đã lâu tôi không nhìn thấy em về làng. Tôi biết đến bác Tính và em từ khoảng những năm tôi ba hoặc bốn tuổi gì đó nhưng tôi nhớ là tôi chưa bao giờ nói chuyện với Mai, dù chỉ là một câu chào nhau thông thường nữa.
Tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi chưa thấy bác Tính mở miệng nói chuyện với ai bao giờ, trừ những lần bác quát con trâu khi dắt nó ra đồng. Có lần đi ngang qua ngõ nhà bác, thấy bác vẫn cởi trần, mặc quần cộc nhem nhuốc đang xúc tép ở con mương nhỏ trước cửa, tôi hỏi:
- Bác Tính ạ. Bác nấu cơm tối chưa ạ?
- Ừ, chưa.
Tôi về đất này mười tám năm và đó là lần đầu tiên tôi mở miệng hỏi bác.
Ừ, thì bác là một cái bóng giữa cuộc đời này, một tạo vật không hoàn hảo được sinh ra để làm chỗ cho người ta chế giễu, để những người thân của bác phải tủi hổ... nhưng tôi dám nói bác không phải là một người thừa thãi của cuộc sống này.
Bác cũng chỉ biết lầm lũi làm ruộng, chịu khó như chính con trâu mà bác vẫn dắt ra đồng, chỉ biết rút hàng rào nhà người khác về làm củi đun, chỉ biết đi xúc trộm sỏi nhà người ta mang về nhà mình nhưng cũng nhờ có bác mà Mai và hai anh chị mới sống được như bây giờ. Tôi luôn cầu mong một tương lai tốt đẹp sẽ đến với họ, một cuộc sống mà người cha khốn khổ của họ sẽ không bao giờ biết đến.
***
Làng tôi thay đổi và bác Tính cũng không chỉ biết đánh trâu ra đồng nữa. Và cũng như nhiều người nói, bệnh của bác càng ngày càng nặng.
Làng tôi bây giờ nhà cao tầng mọc lên san sát. Đền Gióng đã từ lâu là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thấp phương tứ xứ nên con đường qua làng được mở rộng gấp đôi, khang trang sạch sẽ hơn.
Người Hà Nội về mấy làng quanh đây mua đất rất nhiều. Biệt thự, nhà nghỉ mọc lên nhan nhản.Sân golf cũng đã xuất hiện. Dân các làng giàu lên nhờ bán đất, bán ruộng và được đền bù. Đường làng đều được đổ bê-tông. Nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy, hiếm người nào không có điện thoại di động.
Đã qua lâu lắm rồi cái cảnh mặc áo vá, ăn cơm chỉ có rau với lạc rang và tối tối tụ tập đến xem nhờ ti vi ở một nhà nào đó. Thanh niên làng phóng khoáng như những cơn gió, tối nào cũng phóng xe máy xuống thị trấn hoặc tụ tập ở một quán bia nào đó trong làng. Đường làng lúc nào cũng sang trưng như đêm trăng. Ruộng đất, thứ tài sản lớn nhất của người nhà nông, đang dần bị thu hẹp lại. Người dân phần nhiều chuyển sang buôn ngược bán xuôi. Đông ruộng bây giờ cũng đã có máy cày làm việc thay trâu bò.
Nhiều khi về làng, tôi ước mong được nhìn thấy hình ảnh một người nông dân thuần chất dắt trâu ra đồng nhưng không mấy khi thấy. Những lần hiếm hoi tôi được nhìn thấy hình ảnh đẹp như thơ văn ấy là những lần tôi tình cờ nhìn thấy bác Tính dắt trâu ra đồng. Bao năm trôi qua, trông bác vẫn vậy.Tôi chắc bác vẫn không biết đến ốm đau gì.
Hồ nước ở đầu đường dẫn vào làng tôi ngày trước rộng lắm, nhưng bây giờ đang bị lấn dần bởi nhà dân, công thêm những thứ gạch đá, vôi vữa thừa thãi từ những công trình đổ xuống. Nước trong hồ bây giờ nông choèn choèn, bẩn thỉu.
Không biết từ khi nào, bác Tính có thói quen buổi trưa ra hồ nước đó, móc gạch đá từ dưới hồ rồi ném lên mặt đường. Có khi bác chất đầy một đống trên bờ. Rồi có những ngày bác ở đó cả ngày, hết moi đất đá ném lên bờ lại nhảy xuống tắm dưới lòng hồ giờ bằng một nửa ngày trước.
Tôi nghe vợ bác kể, lắm hôm bác bỏ đi khỏi nhà cả ngày khiến vợ con nhớn nhác đi tìm. Tối mịt bác mới về, mang theo một ôm quần áo cũ rách, những bộ ấm chén sứt mẻ, những thanh gỗ thừa bác nhặt từ bãi rác. Những thứ mà ngày xưa chưa chắc đã bị coi là đồ bỏ đi.
Về sau, không thể cản được, vợ con bác đành để mặc cho bác đi như vậy.Có những khi người làng gặp bác đi rất xa, cách nhà cả chục cây số để nhặt nhạnh ven đường những thứ đồ cũ bỏ đi kiểu như vậy.Và lần nào thì đến tối bác cũng về nhà, chưa bao giờ đi lạc.Bây giờ bác không còn đ