17:37 - 15/04/2015
“Cuộc sống của tôi vốn dĩ đã vô vị khi đến nơi rừng rú càng nhạt nhẽo hơn. Tôi dành thời gian rảnh cho những việc ngu ngốc. Ví như ngồi thừ ở chõng tre giữa sân cả tiếng đồng hồ chỉ để dõi theo một chiếc lá vàng cho đến khi nó rơi, ngắm những con ong thợ vờn trên những nhành hoa lan hút mật,… Tôi như một gã mất trí chẳng thiết gì. Không ai dám làm phiền tôi. Bởi, tôi là con của Chỉ huy trưởng. Vậy mà, tôi lại bị điều lên đây. Nơi rừng thiêng nước độc, vùng đất từng gánh chịu hậu quả chất da cam nặng nề. Khốn thân tôi quá. Đố ai tin. Nhưng tôi thề, tất cả là sự thật.”Dũng ngồi ở ghế salon hai tay thỏng, mặt cúi gầm và nước mắt lã chã rơi. Mẹ Dũng không ngớt lời van xin nhưng cha Dũng gạt đi: “Phải đi thực tế cho biết mùi cực khổ, sướng quá hư thân”. Mẹ Dũng than: “Nhưng mà ông ơi, cái mảnh đất đó…” Cha Dũng cắt ngang: “Con người ta sống được, con mình sống được. Cứ như bà, lấy ai lên vùng cao biên giới, lấy ai tới nơi đầu sóng ngọn gió”. Mẹ Dũng nén tiếng thở dài bất lực, quay lại nhìn cậu con trai hai mươi tuổi mặt búng ra sữa, nước mắt tuôn ròng. Bà đành ngậm ngùi an ủi Dũng: “Đi nghĩa vụ năm hai năm rồi về coi như tu nghiệp con à”. Không thể phản kháng, Dũng buộc phải nhận nhiệm vụ và lên đường. Từ nhỏ đến giờ vẫn thế, cuộc sống của Dũng luôn được người cha vẽ ra, sắp sẵn, không có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Dũng chẳng khác nào một con chim quý đắt tiền được cha anh nuôi trong chiếc lồng bằng vàng. Chỉ cần ra khỏi “lồng” là Dũng bay nhảy quên đường về. Dũng muốn trở thành họa sĩ, anh có thể vẽ bất cứ thứ gì. Khao khát được thi vào trường đúng năng khiếu nhưng cha buộc anh phải thi đại học quân sự. Nghĩ đến chiếc “lồng” được thắt chặt hơn với những phép tắc, “kỉ luật thép” của quân đội Dũng ớn như ăn chè nếp.
Nhận được kết quả thi đại học của Dũng, cha Dũng ngồi yên như tượng, mặt lạnh như tiền ở phòng khách. Mẹ Dũng kéo anh lại nói nhỏ: “Cha đã biết con cố ý làm bài thật tệ để không đủ điểm sàn vào Học viện Biên phòng”. Từ đó trong mắt ông, Dũng là cậu con trai vô kham bất trị. Mẹ Dũng hiểu, thương Dũng bà chỉ biết khóc. Như hôm nay, chiếc xe Uoát chở anh đi ra khỏi cổng từ lâu, mẹ anh vẫn đứng dõi theo, mắt nhòe lệ.
Ông tài xế mở lặp lại bài hát về Đồn Biên phòng trên suốt dọc đường đi. Dũng nghe đến thuộc: “Đồn Biên phòng ở lưng chừng dốc… hớ hớ…núi, nắng lên cao vẫn chưa tan màn sương chắn lối về bản…” Đồn Biên phòng ở sát biên giới là nơi Dũng phải đến thực hiện nhiệm vụ. Đi xe ô tô, từ nhà Dũng đến Đồn mất nửa ngày đường. Xe đang rẽ vào con đường ngoằn nghoèo lởm chởm đá, giữa hun hút núi rừng. Dũng chưa bao giờ say xe, không hiểu sao hôm nay thấy người mệt lả, buồn nôn. Dũng chỉ kịp hét lớn: “Dừng lại!”. Anh vội xuống xe chạy sang mép đường. Tất cả những thức ăn có sẵn trong bụng đều tuôn ra ngoài.
Bầu trời hôm nay ức muốn phát điên vì không mưa được. Cái nắng gắt gao cộng mùi cháy khét làm Dũng khó thở. Trước mặt Dũng không có lấy một lùm cây bụi cỏ xanh tươi. Lửa đang liếm những cọng lá héo quắt còn sót lại dưới chân anh. “Cái quái gì thế này? Trời đất ơi, tôi đang đứng ở cánh rừng chết!” – Dũng gào lên. Ông tài xế cầm chai nước lọc, khăn lạnh đến đưa cho Dũng và nói: “Bây giờ đang là mùa khô, đồng bào ở đây họ đoán thời tiết giỏi lắm, đốt rẫy thế này có nghĩa là trời sắp mưa. Nhìn vậy chứ mưa xuống cỏ bò ra choán cả lối đi cậu Dũng à”. Dũng leo lên xe ngồi, muốn khóc nhưng không khóc được, đồng tử giản ra hết cỡ, vằn lên những tia uất ức:
– Bác thấy cháu có giống cha cháu chút nào không?
– Sao cậu lại hỏi thế?
– Nếu cháu là con ruột của ông thì ông sẽ không hành hạ cháu như thế này.
– Không đâu cậu Dũng, Chỉ huy trưởng chỉ muốn tốt hơn cho cậu thôi. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả.
– Cháu thì chẳng thấy tốt, ổn chút nào. Chắc chắn có uẩn khúc gì đấy mà cháu không biết bác à.
Quang cảnh dọc đường đi khiến Dũng chán nản. Đến nơi, Dũng càng ngao ngán hơn. Ngoài cổng đi vào có một phòng nhỏ dùng làm phòng họp. Phía sau có ba dãy nhà xây, tường vàng sơn đã xỉn màu. Dãy đầu dành cho cán bộ, tiếp theo là chỗ ở của lính và cuối cùng là nơi nấu nướng, ăn uống. Tít đằng sau nữa là khoảng đất dùng để trồng trọt và chăn thả gia súc gia cầm. Nền nhà và sân được nện đầm bằng đất lẫn đá sỏi núi. Những bụi cây quanh đồn đắm mình đất đỏ. Ở đây không có điện, họ phải thắp đèn dầu, phải ăn cơm tối trước năm giờ. Không có nước máy chỉ có một cái giếng tròn to sâu mười mét và lấy nước sinh hoạt bằng cái gàu địu có buộc sợi dây thừng dài. Phương tiện đi lại là chiếc xe Uoát dựng ở mé sân. Phương tiện thông tin là một chiếc đài xài bằng pin con thỏ của Đồn trưởng Chiến. Ai tiến tới chiếc đài ông Chiến cũng dặn với: “Chỉ bấm và nghe thôi chơ không được sờ mó lung tung”. Tất cả nói lên sự thiếu thốn của một vùng đất nghèo khổ.
“Tôi căm thù cha tôi vô cùng, phải ghi lại tất cả tâm trạng tồi tệ của mình vào một cuốn nhật ký. Nếu tôi bỏ xác lại nơi này thật thì cha tôi là người phải hối hận và đau đớn nhất khi đọc nó. Màn đêm ở chốn hoang sơ này buông nhanh kinh khủng. Tôi không ngủ, nằm buồn xo trong căn phòng lạnh ngắt. Bên ngoài gió nổi lên, nghe rõ tiếng lá cây rừng cọ vào nhau xào xạc. Những rặng nứa, vầu sau đồn nép vào nhau lượn theo chiều gió kêu ẻo ẹt…Lâu lâu có tiếng chim lạ rừng bên vọng tới. Tiếng chim than nghe ai oán não nùng:“Con còn côi cột, con còn côi cột,…”. Tôi trùm chăn kín đầu nhưng âm thanh chết tiệt đó cứ len lỏi vào tai tôi, quấy giấc ngủ của tôi. Bóng đêm tối om dần trườn vào khoảng không mù mịt. Tiếng gà gáy le te, trời rạng dần. Đêm nay tôi thức trắng, lẽ nào những đêm tiếp theo cũng như vậy? Cổ họng bắt đầu khát khô, toàn thân ê ẩm, mồ hôi tứa ra thành dòng…”
Dũng ốm. Cả đơn vị phát hoảng nhưng thuốc trong tủ đã hết. Đồn trưởng Chiến nghĩ đến Pi-a-mơ. Ông muốn nhờ cô bé dùng thuốc nam chữa bệnh cho Dũng.
Sau khi uống thuốc, nhiệt độ cơ thể Dũng giảm dần, xuất hiện trước đôi mắt nửa tỉnh nửa mê của anh là gương mặt một cô gái xinh đẹp như thiên thần. Chắc chỉ là giấc mơ, Dũng nghĩ vậy và nhắm mắt thiếp đi.
Trời xế chiều, Đồn trưởng Chiến lay nhẹ vai Dũng bảo, dậy ăn cháo rồi uống thuốc. Dũng ngồi dậy cười mỉm. Ông Chiến đùa:
– Chú này lạ nhỉ, ốm mà cũng cười được.
Dũng cảm thấy lạ, ở giữa chốn “khỉ ho cò gáy” này mà anh lại mơ thấy tiên. Một nàng tiên có mái tóc đen dài, cái miệng cười lộ chiếc răng khểnh rất duyên. Nàng có làn da trắng, đôi mắt to, ánh nhìn trong veo. Trên người nàng phát ra mùi hương rất dễ chịu. Nó không nồng đậm như hoa dẻ, không thùy mị tinh khiết như hoa sen, không thơm ngát như hoa sứ,…mùi hương dị biệt. Dũng không biết nàng tiên đó chính là cô bé Pi-a-mơ đã đến thuốc thang cho Dũng từ sáng sớm vừa mới ra về. Còn mùi hương kia phát ra từ loài hoa Pi-a-mơ trên núi. Cho đến khi Dũng nghe Đồn trưởng kể… Dũng vội xuống giường:
– Cháu muốn đi gặp Pi-a-mơ.
– Cũng phải gặp để cảm ơn người ta nhưng chú đang bị ốm, ở nhà ăn cháo, nghỉ ngơi cho khỏe, sáng mai chỉ chỗ cho gặp nhé!
“Nàng bảo, tên của nàng gắn với một loài hoa. Vì sinh ra giữa mùa pi-a-mơ nở nên mẹ lấy tên hoa đặt cho nàng. Hoa pi-a-mơ tượng trưng cho sự chung thủy của người con gái, một khi đã yêu thì dù có chết cũng không thay lòng đổi dạ. Pi-a-mơ phát ra dị hương như dẫn dụ mê hoặc, có thể ru người mất ngủ kinh niên ngon giấc, làm cho người bất hạnh tìm thấy hạnh phúc và người hạnh phúc sẽ được viên mãn. Thân Pi-a-mơ dùng làm kèn Amam gọi bạn tình trong mùa đi sim. Ngày xưa chất độc da cam biến nơi đây thành vùng đất chết. Nhưng pi-a-mơ vẫn vươn lên giữa trời. Thách thức. Bởi vậy thân và rễ của Pi-a-mơ phơi khô nấu uống giúp cơ thể khỏe mạnh phòng chống bệnh tật. Cuộc sống ở đây thật không quá tồi tệ như tôi nghĩ. Ít nhất, tôi cũng đã có một câu chuyện tốt đẹp để kể cho mẹ nghe.”
Pi-a-mơ ngồi trên phiến đá nghiêng đầu xỏa mái tóc dài chấm thắt lưng sang một bên. Tóc như muốn trôi theo dòng suối. Đôi tay thoăn thoắt chắt nước đầy cái mo cau rồi thả những bông hoa pi-a-mơ vào. Pi-a-mơ ngước đôi mắt trong veo nhìn Dũng hỏi:
– Sao bộ đội Dũng biết em ở đây mà tìm?
– Sương giăng chắn lối, anh lần theo tiếng kèn Amam của em đấy. Bản nhạc hay lắm. Mà em đang làm gì vậy?
– Em ướp hương hoa Pi-a-mơ vào nước suối để gội đầu.
– Hay quá nhỉ! Thế hoa khô có giữ được hương không?
– Dạ có, phơi càng đượm nắng càng thơm.
– Mai mốt nghỉ phép anh sẽ mang về tặng mẹ anh loài hoa này, gần đây bà nhọc lòng về anh nhiều nên hay mất ngủ.
– Em sẽ giúp bộ đội Dũng làm quà tặng mẹ nhé?
– Cám ơn cô bé! Đêm qua anh không ngủ được, có con chim lạ đứng trên ngọn vầu réo rắt: “con còn côi cột…” nghe nẫu ruột, tóc gáy dựng cả lên Pi-a-mơ à.
– Đó là chim Pha-triêng, nó gắn liền với một câu chuyện gần như cổ tích.
Pi-a-mơ kể cho Dũng nghe về loài chim có tiếng hót lạ đó:
– Phụ nữ ở bản em đến mùa sinh nở, người chồng sẽ làm cho một ngôi nhà cạnh bờ suối bên trong nhà tết toàn hoa pi-a-mơ khô, rồi vào rừng đốn củi về chất đống cạnh ngôi nhà. Rễ pi-a-mơ cũng được đào lên phơi khô dành sẵn. Khi sinh em bé, người chồng sẽ nhóm lửa rực than hồng, người vợ đi quanh bếp lửa chín vòng rồi xuống suối ngâm mình ướt hết áo quần sau đó lên đi tiếp chín vòng. Làm ba lần như vậy trong một ngày rồi thay áo quần nghỉ ngơi. Ba ngày sau ôm con về bản.
– Thế không ăn uống à? – Dũng hỏi.
– Có chơ, người chồng sẽ lo cơm nước. Nhưng nước phải nấu bằng rễ cây pi-a-mơ. – Pi-a-mơ trả lời.
– Tết nhiều hoa pi-a-mơ trong nhà để làm gì vậy cô bé?
– Hương hoa pi-a-mơ sẽ tẩy đi những uế tạp, tanh tưởi.
Dũng gật gù, chợt nhận ra ở vùng đất hoang vu sơn cước này luôn sở hữu và ẩn chứa những điều thần bí đang dần cuốn hút anh. Pi-a-mơ kể tiếp:
– Duy có nàng Pha-triêng, vì hiếm muộn đường con cái, khi có chửa sợ thú dữ bắt mất con nên chồng nàng làm cho một ngôi nhà trên cây. Nàng sinh con sớm trước một tuần, lúc đó chồng nàng đang lên rẫy. Sau khi sinh con ra, nhìn thấy mặt con, Pha-triêng hét lên rồi tụt xuống cây đi thẳng vào rừng tìm chồng. Vừa đi nàng vừa gọi: “Con còn côi cột,…”. Mãi sau không thấy Pha-triêng về, chỉ thấy có con chim lạ về, đứng trên ngọn cây trước nhà Pha-triêng mà hót: “Con còn côi cột,…” Dân bản bảo vì Pha-triêng nhìn thấy đứa con dị thường nên sợ hãi bỏ đi và biến thành con chim về báo cho chồng biết đứa con của họ vẫn đang còn trên cây. Từ đó loài chim này mang tên Pha-triêng.
Dũng chợt ngây người ra giây lát. Ai chẳng biết vùng đất nở tràn hoa pi-a-mơ xinh đẹp từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chất da cam. Cha Dũng. Ông thừa biết cái sự thật thẳng thừng tàn khốc đó. Còn mẹ Dũng. Bà biết tất. Nhưng bà chỉ có thể lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt bất ổn, suy tư.
– Bộ đội Dũng nói về anh cho em nghe đi?
Giọng Pi-a-mơ lảnh lót, làm Dũng giật mình.
– Tôi á, tôi chẳng có gì tốt đẹp để kể. Cuộc sống của tôi chán ngắt. Con chim phải sống trên trời, con cá sống ở dưới nước, nếu hoán đổi vị trí cho nhau sẽ không tồn tại được. Vậy mà cha tôi biến tôi thành con chim, con cá, thả đâu sống đấy không lấy một chút tự do....