10:44 - 01/08/2015
Tác Giả: blogradio.yn.ltNhắc tới Hoa sữa ai cũng nghĩ ngay tới Hà Nội, với con đường Nguyễn Du ngập tràn ngây ngất mỗi độ thu sang. Nhưng ít ai biết, mãi tận trong mảnh đất đầy nắng gió này, hoa sữa vẫn toả hương, dù ít, vẫn mang một vị rất riêng. Hoa sữa của Sài Gòn, hoa sữa của nỗi nhớ... vô thường... Một chiều mưa, Sài Gòn lắng xuống, tôi viết kính tặng thầy, và tặng cho tất cả những ai biết yêu và gắn bó. Sài Gòn vẫn có một mùa hoa sữa say sưa đến độ nao lòng...
Tôi ngồi lại với ông cho đến nửa đêm. Trời đã tạnh mưa được một lúc, phố xá cũng vắng lặng, chỉ có ánh đèn leo lét vàng loang lổ lên những bức tường phía xa. Bỗng dưng ông thở dài, rồi đi một hơi hết cả ly rượu mạnh.
Tôi biết ông buồn nhưng không dám hỏi; ông cũng chẳng nói. Từ tối, ông gọi tôi tới rồi cũng chỉ uống rượu. Ông rót cho tôi, tôi rót cho ông; hết đối diện, ông một mình xoay ghế nhìn ra cửa sổ trầm ngâm. Tôi cũng đứng dậy, cầm theo li rượu ra đứng tựa lưng vào cánh cửa. Sài Gòn mưa đêm, buồn buồn đến lạ!
Ông và tôi, hai con người của hai thế hệ, chỉ vì mến tài đức của nhau mà như tri kỉ. Suốt mười mấy năm quen biết, từ khi ông hướng dẫn tôi làm luận văn thạc sĩ, thi thoảng lại có những buổi tối thế này. Chỉ cần ông nhấc máy gọi, là bất kể đâu, bất cứ khi nào, có khi 2,3 giờ sáng tôi cũng tới, vì biết những khi đó ông buồn và cần có tôi.
Đến cũng chẳng làm gì khác, ngoài uống rượu với ông. Có bữa ông say, bữa tôi say, và mỗi lần như vậy, sau đó, cuộc sống lại trở về với bộn bề lo toan khác. Tôi lao vào đi giảng, hết nam ra bắc, rồi hội thảo, nghiên cứu… Còn ông, tuy đã về hưu được mấy năm, nhưng cũng viết lách không ngưng nghỉ. Các công trình nghiên cứu của ông vẫn đều đặn được công bố, mang tầm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành luật và những thế hệ đi sau như tôi.
Ông sống một mình lặng lẽ trong căn nhà nhỏ mang hơi thở kiến trúc Pháp. Một căn nhà cổ với những lớp sơn loang màu thời gian. Tôi thích khu vườn phía trước, có tới mấy cây me và hoa sữa, bao trùm lên khoảng không gian rộng rãi. Một màu xanh đến bình yên mỗi khi tôi đặt bước chân chậm rãi trên lối vào nhà, phủ toàn đá cuội; thoát khỏi nỗi ồn ào với xe cộ, bụi bặm, rác rưởi… với tôi và ông, khu vườn có lẽ là nơi đẹp nhất thành phố này.
Tôi vốn người Hà Nội, vào Sài Gòn cũng đã hơn chục năm. Sài Gòn đối với tôi như quê hương thứ hai, có lẽ cũng bởi có ông và căn nhà đơn sơ đó. Ông lại là người Sài Gòn, tập kết ra bắc, rồi tu nghiệp nước ngoài, trở về lại tiếp tục vào nam công tác. Ông bảo ông yêu hoa sữa từ ngày đầu tiên đặt chân ra Hà Nội. Hà Nội có nhiều kỉ niệm với ông; trước đây còn công tác thường đi đi về về, nhưng dễ đến 6, 7 năm gì đấy ông không ra lại, một phần do công việc, phần do tuổi tác; nhưng tôi vẫn thấy ông thư từ Hà Nội luôn.
Tháng 10, Sài Gòn mưa tầm mưa tã, dường như chiều nào không trút nước xuống là không thoả. Thời gian đó, những lần ông gọi càng dày lên hơn; mà mùa này cũng là mùa giảng mới, nên được cái chỉ loanh quanh ở thành phố, chứ chưa phải đi giảng tại chức xa xôi. Thường thì ông hay gọi buổi tối, sau bữa cơm chiều. Tôi đi chiếc vespa cổ tới cho đúng ý ông. Chiếc xe đã gắn bó với ông dễ đến vài chục năm, ông cho tôi làm kỉ niệm từ ngày không đi được nữa. Tôi không muốn và tôi biết ông cũng như tôi, không muốn thấy sự hiện diện của một thứ gì đó hào nhoáng, tồn tại đến khập khiễng với cả không gian này. Vì thế, có lần xe hư tôi đi tắcxi, không thì xe ôm, cũng có khi tản bộ. Được cái cũng không xa nhà ông lắm, ba con đường và ba góc phố, nhưng cũng có bữa kẹt xe đến bực bội.
Tản bộ, chỉ cần tới gần đoạn tường gạch chạy dài, kín cổng, là đã có thể cảm nhận được hương hoa sữa thoảng trong gió mát đến nao lòng. Ở Sài Gòn, rất hiếm khi thấy, chỉ toàn những me với me. Trước đây ngoài chỗ ông ra, tôi còn thích hai cây hoa sữa lớn trong khuôn viên Đài khí tượng thuỷ văn Nam bộ. Mỗi lần có dịp chạy xe qua, tôi vẫn hay nán lại một chút; nhưng giờ thời gian vội vã, vật đổi sao dời, mỗi lần qua, phố xa đông đúc như nêm cối, bụi khói nắng nôi đến nghẹt thở, hoa sữa dù thơm cũng chẳng còn đủ sức làm dịu bước chân người. Cái thời lọc cọc đạp xe hàng đêm lang thang khắp phố phường… xa rồi… vụt mất…
Và cũng vì thế, tôi chỉ còn “một cõi đi về” , thường đến ông và cũng thích đến ông hơn. Mỗi độ thu về ở Miền bắc, Sài Gòn cũng đương trong mùa mưa; chẳng hiểu sao mỗi lần tới đây là nhớ nhung đến lạ. Có lần cao hứng, tôi đọc ông nghe bài “ Hà Nội vào mùa hoa sữa” của thi sĩ Hồ Bất Khuất. Ông bảo giọng tôi nghe rất ấm, đúng là người Hà Nội, rồi ông trầm tư mãi. Đêm đó, lần đầu tiên tôi thấy ông khóc…
““…Hà Nội mùa này mùa hoa sữa
Anh chờ em nơi góc đường Nguyễn Du…”
Câu thơ ấy đã bao đôi lứa
Khe khẽ đọc lên trong những cuộc hẹn hò.
Thành phố dịu đi sau đợt nắng hè
Sang tháng chín đi làm em không đội nón
Con gái làm duyên với mùa thu đang đến
Anh có nói gì đâu, chẵng nhẽ lại ghen với bầu trời?!
Anh chờ em ở một góc phố đông vui
Nơi hoa sữa tỏa hương thơm, mặt hồ gợn sóng
Em đến chậm mà anh không giận
Ai nỡ dỗi hờn khi hoa sữa tỏa hương.
Đêm trung thu chúng mình hòa trẻ con
Nhưng vẫn muốn có riêng một hoàng hôn tĩnh lặng
Rời đường phố ta lên gác thượng
Chờ trăng lên nơi gần với bầu trời.
Hà Nội nồng nàn hoa sữa đầy vơi
Dẫu lũ trẻ hét hò vang lừng từng góc phố
Mùa thu vẫn dịu dàng nhỏ nhẹ
Êm đềm về và lặng lẽ xanh cao.
Em chẳng nói gì chỉ im lặng thôi sao?
Hát đi em khe khẽ thôi cũng được.
Mùa thu về đong đầy mơ ước,
Thành phố mình trải rộng đến mênh mông.”
Bẵng đi một thời gian dài, từ khi tôi chuyển công tác, nghỉ giảng ra làm chuyên viên pháp lí cho một công ty nước hngoài. Công việc không còn mang tính chất đều đặn lên lịch sẵn như trước. Mặc dù vẫn ở thành phố, nhưng tôi ít ghé được ông hơn. Ông cũng ít gọi, có khi là vài tháng. Mỗi lần đến đều vội vội vàng vàng, tôi nhận thấy rõ nét buồn trên khuôn mặt ông, khắc khổ; có lẽ một phần nguyên nhân là do tôi…
Có một tối, tôi tiếp khách hàng ở quán café sang trọng nơi trung tâm thành phố. Điện thoại rung lên, tôi thò tay vào bao tắt máy; một cuộc gọi nữa tôi lại tắt. Gần một giờ đồng hồ sau khi thoát khỏi đống công việc, tôi trở ra xem điện thoại, màn hình còn báo hai cuộc gọi của ông. Linh tính mách bảo có điều gì không hay, tôi lao vội ra khỏi quán, quên lấy cả xe chạy như ma đuổi về hướng có ngôi nhà quen thuộc. Sài Gòn lại đúng lúc đổ mưa tầm tã, tôi còn kịp nhìn thấy cả những tia chớp rạch ngang phía đường chân trời. Vẫy taxi không được, tôi như mếu…
Đến phía trước nhà ông lúc nửa đêm, nghe rõ cả tiếng chuông đồng hồ trong nhà ngân lên như cứa xé bầu trời, không gian tịch mịch và lạnh lẽo. Cửa không khoá, tôi bước vội vào trong, hương hoa sữa sộc ngay vào người ngây ngất. Tôi khựng lại, sực nhớ, thế là đã vào mùa đi giảng, nước mắt rơi khi nào không hay.
Cửa nhà mở toang, cảnh tượng đau đớn đập ngay vào mắt, nghẹn thở. Ông ngồi đó tựa lưng trên chiếc ghế song, đầu nghoẹo qua một bên, đôi cánh tay buông thõng xuống nền gạch. Tôi khuỵu xuống, áp tai vào ngực ông, trái tim ngừng nhịp đập, một bàn tay cứng đờ, lạnh giá. Vậy là ông đã bỏ tôi đi mãi mãi, tôi xin lỗi trong tiếng nấc nghẹn ngào. Căn nhà vẫn sực lên mùi hoa sữa thơm nồng qua ô cửa sổ chưa bao giờ đóng lại, gió thổi tạt chiếc rèm sang bên ướt đẫm. Trong góc phòng, chiếc catset cũ kĩ từ lâu không đụng tới, đêm nay ông lại mở bài “ Im lặng đêm Hà Nội” của Phú Quang:
“Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn pḥòng nhỏ
Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương
Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya, không gian dạ hương sâu thẳm
Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về…”
…
Lo hậu sự cho ông xong, tôi trở lại dọn dẹp ngôi nhà. Trên bàn, một bức thư ông viết còn chưa gửi ra Hà Nội, tôi cầm lên xem, tên người phụ nữ kèm theo một lọn tóc dài đen nhánh. Tôi mở ngăn kéo, bên phải một xấp thư bạc màu thời gian, bên góc trái một chồng giấy bì thư còn mới. Giờ thì tôi đã hiểu, người phụ nữ Hà Nội ông yêu qua suốt ngần ấy năm, từ khi tập kết. Bà đã không đợi được ông mãi tận trời tây xa xôi đăng đẵng, bà đi lấy chồng. Ông trở về, rồi chiến tranh, rồi xa cách…
Tôi hiểu vì sao ông không nói, vì sao ông một mình lặng lẽ. Tôi quyết định không gửi bức thư đó, nhất định tôi sẽ giúp ông trao tận tay nó cho bà.
Một ngày cuối năm, tôi ra Hà Nội, ghé qua căn nhà gỗ nhỏ ven hồ Thiền Quang trên đường Nguyễn Du, ngập tràn hoa sữa. Cầm lọn tóc trên tay, bà khóc, nước mắt rớt xuống làm nhoà cả mực. Bà kể tôi nghe chuyện của hai người. Tôi cũng khóc… khóc vì quá ư vô tâm và ân hận…
“Em tặng tôi sợi tóc của em
Rồi tháng ngày vèo trôi em không nhớ nữa
Ba mươi năm sau
Khi tìm được về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc
Bà khóc
Sợi tóc vẫn còn đen”
0
Bà đọc cả bài thơ cho tôi nghe, rồi cùng tôi ra phố, bóng già lụ khụ khắc khoải cả một con đường. Tôi đi bên cạnh, đỡ bà, miệng không ngừng thầm gọi tên ông…
Hôm nay ngày giỗ, chẳng để ông phải gọi, tôi thu xếp công việc đến từ đầu giờ chiều sửa sang lại một chút căn phòng. Buổi tối, uống với ông li rượu. Hoa sữa vẫn cứ nồng nàn đến lạ, vẹn nguyên như thuở ban xưa. Tôi bật catset, giai điệu trầm lắng ông ưa thích vang lên ôm ấp lấy cả căn phòng. Tôi biết, ông đang ở đây, đang cười. Và, tôi cũng hiểu, Sài Gòn đương vào mùa hoa sữa…
Sài Gòn chiều mưa, Kính tặng thầy H.Đ.Q